Khi nói đến sản xuất và quản trị chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa rất nhiều phương pháp khác nhau. Hiện nay, Sản xuất Tinh gọn (Lean Manufacturing) và một trong những cách tiếp cận của nó – mô hình JIT (Just-in-Time Manufacturing) – là một hướng đi được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Có nguồn gốc từ Nhật Bản, ngày nay xu hướng này đã được học hỏi phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Sản xuất tinh gọn là gì?
Sản xuất tinh gọn là một phương thức quản lý sản xuất và logistics trong nội bộ doanh nghiệp, trong đó các bước, các hoạt động được tối giản, loại bỏ những bước thừa hay không thực sự cần thiết, để hình thành một chuỗi hoạt động sản xuất gọn gàng, nhịp nhàng, tập trung vào hiệu quả. Để thực hiện sản xuất tinh gọn, doanh nghiệp trả lời câu hỏi: “người tiêu dùng cần sản phẩm gì?” và sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu đó, nâng cao hiệu quả trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng.
Sản xuất tinh gọn phù hợp để áp dụng với các sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền, hay những sản phẩm được lắp ráp từ nhiều linh kiện, chi tiết nhỏ khác nhau.
JIT là viết tắt của Just-in-Time, tạm dịch là “vừa kịp thời gian”, hay nói cách khác, không để thời gian thừa trong cả quá trình. Mô hình JIT được Tập đoàn Toyota đưa ra từ hơn 50 năm trước, trong nỗ lực giảm tồn kho và giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, đối phó với tình hình khủng hoảng thiếu đất công nghiệp và nhân lực của Nhật Bản.
Phương pháp JIT yêu cầu doanh nghiệp đánh giá lại từng bước trong quy trình sản xuất với mục đích giảm chi phí và giảm thời gian chờ. Thay vì dự trữ một số lượng lớn nguyên liệu và linh phụ kiện trong kho, doanh nghiệp sẽ nhập nguyên liệu thường xuyên hơn nhưng với số lượng nhỏ. Nếu thực hiện chính xác, các nguyên vật liệu đến “vừa kịp lúc” (“just in time”) để sử dụng cho quá trình sản xuất, làm giảm đáng kể khối lượng tồn kho trong quy trình, do đó giảm chi phí vận chuyển tổng thể. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu kế hoạch sản xuât của mình để đưa ra dự báo về nhu cầu nhập nguyên vật liệu, từ đó lên lịch mua hàng cho phù hợp với quá trình sản xuất.
JIT đã giúp giảm 1/3 thời gian thực hiện đơn đặt hàng và 50% chi phí sản xuất của Toyota. Kể từ khi được xây dựng và áp dụng, JIT đã tỏ ra rất thành công trong cả việc giúp quy trình vận hành và quản trị doanh nghiệp diễn ra trơn tru, chính xác và dễ dàng xử lý hơn khi có sự cố.
Sản xuất tinh gọn và mô hình JIT tại Việt Nam
Xuất phát từ một quan điểm về quản trị doanh nghiệp và sản xuất của Nhật Bản, sản xuất tinh gọn và mô hình JIT đã được nhiều quốc gia học hỏi và nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới thực hành trong hoạt động thực tế của mình. Tại Việt Nam, Toyota – được coi là cha đẻ của mô hình JIT – cũng là doanh nghiệp tiên phong trong thực hành JIT, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả ngành công nghiệp ô tô.
Trường Hải Thaco là một ví dụ điển hình. Tập đoàn này ứng dụng JIT vào quản lý kho hàng, trong đó họ cân đối các chi phí lưu kho, chi phí đặt hàng nguyên liệu; xây dựng các nhà máy chuyên môn hóa, tự kiểm soát chất lượng để loại bỏ được khâu kiểm tra ở nơi đến; lên kế hoạch vận chuyển giữa các nhà máy theo lịch cụ thể; vận chuyển thẳng linh phụ kiện tới nhà máy sửa chữa bảo hành thay vì lưu khó;…
Một số ngành sản xuất, gia công mang tính dây chuyền như dệt may cũng đã áp dụng JIT nhằm giảm rủi ro, giảm chi phí lưu kho, tăng chất lượng và độ tin cậy.
JIT trong logistics
Sản xuất tinh gọn và JIT có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất, từ đó tăng năng suất, tăng sản lượng đầu ra, là cơ sở để tăng nhu cầu vận chuyển cho ngành logistics. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có mặt trái, đó là: khi có sự cố xảy ra, nếu một mắt xích trong chuỗi vận chuyển không đảm bảo được đầu ra để vận chuyển, sẽ buộc cả quá trình sản xuất và lưu thông phải dừng lại. Nói cách khác, nhược điểm của JIT chính là có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, sản xuất tinh gọn và JIT đều hướng đến cùng một mục đích: chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất phải đáp ứng nhanh, linh hoạt và năng động. Do đó, cả 2 phương pháp sản xuất đều đòi hỏi nhà sản xuất phải hình dung được một bức tranh toàn cảnh về vị trí của các nguyên vật liệu hay bộ phận của sản phẩm đang ở đâu trong vòng sản xuất.
Để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, việc áp dụng công nghệ hiện đại, các phần mềm kỹ thuật số nhằm đảm bảo luồng thông tin lưu thông thông suốt giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng là một điều kiện tối trọng.
Tự động hóa kỹ thuật số và công nghệ thông tin với mã vạch là hai cách để hoạt động sản xuất có thể vượt qua thách thức trong việc xử lý và lưu trữ khối lượng lớn hàng tồn kho, nguyên vật liệu, phụ tùng, vật tư tiêu hao và tài sản cố định. Các xu hướng cho thấy cả hai công nghệ có thể cần thiết để các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô và phát triển.
Một ứng dụng hiệu quả và đang trở nên ngày càng phổ biến trong logistics định hướng JIT chính là phần mềm tối ưu hoá tuyến đường và quản lý đội xe. Thông thường, một thiết bị định vị GPS sẽ được cài đặt vào từng xe với nhiệm vụ truyền dữ liệu thông tin tới máy chủ, giúp truy xuất thông tin về vị trí và tình trạng hàng hóa theo thời gian thực. Ngoài ra, các tính năng quan trọng của các phần mềm này còn bao gồm gợi ý và thiết kế lộ trình hiệu quả theo các thông tin đầu vào được nhà sản xuất cung cấp, từ đó giảm chi phí và thời gian vận chuyển, đảm bảo kịp thời vận chuyển nguyên vật liệu, linh phụ kiện, bán thành phẩm và thành phẩm theo nhu cầu.
Nhìn chung, quản trị sản xuất và logistics theo hướng tinh gọn hay theo mô hình JIT đều đã thể hiện hiệu quả không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các doanh nghiệp đổi mới mô hình quản lý, áp dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu rủi ro và phản ứng kịp thời với sự cố. Các giải pháp hỗ trợ sản xuất và thu thập dữ liệu di động có thể giúp tự động hóa các quy trình làm việc trên giấy đã lỗi thời, tích hợp các ứng dụng kinh doanh hiện có, và trao quyền truy cập thời gian thực thông qua thiết bị di động và phần mềm. Ưu điểm chính của các công nghệ tự động hóa kỹ thuật số như di động và thu thập dữ liệu tự động (automated data collection - ADC) là giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí mà không cần thêm cơ sở hạ tầng.