Tin tức

Thay đổi chiến lược và tầm nhìn để tạo bứt phá cho ngành dệt may
26 Tháng 04
Đăng bởi:  CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ THƯƠNG MẠI T&K

Thay đổi chiến lược và tầm nhìn để tạo bứt phá cho ngành dệt may

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm cùng đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng, ngành dệt may phải tu...

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm cùng đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng, ngành dệt may phải tuân thủ nhiều chính sách như xanh hóa, tiết kiệm năng lượng.

Đơn hàng giảm mạnh

Chịu tác động từ hàng loạt những khó khăn do tình hình dịch bệnh, lạm phát tại các thị trường truyền thống, đồng tiền mất giá, sức mua toàn cầu giảm, những tháng đầu năm đơn hàng xuất khẩu dệt may suy giảm mạnh. Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vita Jean)- cho biết: Trong quý I/2023, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp giảm đến 16%, công suất nhà máy giảm đến 20%. Trong đó, các thị trường truyền thống suy giảm mạnh. Điển hình như EU giảm 25%, Mỹ giảm 46%, Nhật giảm 17%.

Ngành dệt may cần thay đổi tư duy tầm nhìn chiến lược

Chia sẻ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp dệt may tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang cố gắng duy trì sản xuất để người lao động có việc làm, có thu nhập, nhằm ổn định tình hình lao động, để khi có đơn hàng trở lại thì tiếp tục sản xuất.

Cũng theo ông Phạm Xuân Hồng, thực tế từ chính các doanh nghiệp trong Hội này cho thấy, tình hình chung quý I/223 đơn hàng giảm 30 - 40% so với cùng kỳ. Dự báo sang quý II có phục hồi nhưng vẫn giảm khoảng 20% so với cùng kỳ và phải từ quý III mới có thể tăng trưởng hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình thế giới chưa có nhiều cải thiện, bản thân tại thị trường nội địa sức mua giảm, nhiều người lao động thiếu việc làm nên thu nhập giảm cũng thắt chặt chi tiêu.

“Thị trường xuất khẩu đã khó, thị trường nội địa cũng khó, do vậy ngành dệt may vẫn tiếp tục ở trạng thái khó khăn, song vẫn duy trì việc để người lao động có thu nhập. Đơn cử, trước đây làm 6 ngày nay giảm còn 5 ngày, đồng thời giảm bớt giờ làm việc nhưng vẫn đảm bảo có việc làm và thu nhập cho công nhân,” ông Phạm Xuân Hồng nói.

Thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược

Trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay,Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 68 - 70 tỷ USD. Để đạt được, ngành cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường...

Việc tham gia hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng

Dưới góc nhìn của Hiệp hội, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định: Năm 2023 câu chuyện về phát triển bền vững đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết do các đối tác ngày càng khắt khe hơn trong yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may.

Ông Giang cho rằng, để vượt qua thách thức các doanh nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, chủng loại của các nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam, đồng tời không nên dừng lại tại một số mặt hàng truyền thống như trước đây. Song song đó, các doanh nghiệp cần xây dựng giải pháp thích ứng quy trình bền vững của thị trường dệt may toàn cầu. Trong đó, ưu tiên dùng sản phẩm tái chế và để làm được, doanh nghiệp phải tìm kiếm nguyên liệu, đầu tư vào con người, cơ sở vật chất.

“Chúng ta phải đầu tư thiết bị công nghệ, tự động hóa ở những máy chuyên dụng, đặc biệt là ngành may, những máy chuyên dùng sâu, chúng ta cần phải đầu tư. Việc đầu tư này phải gắn với việc đào tạo nguồn lực vận hàng máy đó để đạt hiệu quả nhất”, ông Giang nhấn mạnh.

Cùng với những khuyến cáo nói trên, Vitas cũng nhận định việc tham gia hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng. Do vậy Vitas đang tích cực phối hợp với Bộ, ngành để tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm chuyên ngành cho ngành dệt may. Cụ thể là mới đây Vitas đã cùng Bộ Công Thương tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã thu hút 1.700 gian hàng của 1.300 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Từ đó tạo cầu nối cho doanh nghiệp Việt kiếm đối tác xuất khẩu cũng như tiếp cận các giải pháp công nghệ tiến tiến của thế giới và tìm hiểu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Viết bình luận của bạn:
zalo Chat Zalo
1900.0060
094.999.1688