Tin tức

Ngành dệt may Việt Nam buộc phải xanh hóa
02 Tháng 07
Đăng bởi:  CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ THƯƠNG MẠI T&K

Ngành dệt may Việt Nam buộc phải xanh hóa

Với cam kết của Chính phủ tại COP26 và những yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, xanh hóa được xác định...

Với cam kết của Chính phủ tại COP26 và những yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược với ngành dệt may Việt Nam, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc.

Điều bắt buộc trong xu thế tương lai

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 18,6 tỉ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, ngành hàng khác xuất khẩu sụt giảm rất sâu, mức sụt giảm của dệt may như trên thể hiện nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Không chỉ chủ động đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, các doanh nghiệp dệt may còn nhanh chóng thích ứng, tìm ra lối thoát thông qua việc số hóa và xanh hóa quy trình sản xuất.

Nhấn mạnh xanh hóa không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà trong vài năm qua các doanh nghiệp dệt may đã bắt tay vào làm, ông Vũ Đức Giang đưa ra ví dụ, trong tất cả các dòng sợi, để phù hợp với xu thế sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu, từ sợi cotton, sợi polyester phải pha được sợi recycle (tái chế - PV) vào.

Hiện nay, Chính phủ đã cam kết tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà nhập khẩu, những thương hiệu thời trang hàng đầu của châu Âu là các đơn vị tiên phong đã có cam kết về phát triển bền vững, sản xuất xanh và các sản phẩm xanh; tiếp theo đó có thể là Mỹ và Nhật Bản…

Xung quanh vấn đề xanh hóa ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng chia sẻ mới đây EU đã chính thức có lộ trình cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được.

Đây không phải là yêu cầu mới của EU mà là chiến lược phát triển dệt may bền vững và tuần hoàn đã được EU công bố từ tháng 3.2022.

"Họ xác định rằng nguồn thải từ dệt may là nguồn thải lớn nhất, nếu cứ như hiện nay biện pháp xử lý thông thường là đốt, chôn lấp là rẻ tiền nhất, song lại gây ảnh hưởng tới môi trường. Đặc biệt, một số loại sản phẩm sử dụng sợi tổng hợp dù có chôn vài trăm năm cũng không tiêu hủy; bây giờ đặt ra yêu cầu phải tái chế lại hoàn toàn", ông Hiếu nói.

Không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc

Nhấn mạnh vào những yêu cầu từ thị trường EU trong vấn đề cấm tiêu hủy hàng dệt may, theo ông Cao Hữu Hiếu điều này đương nhiên tác động tới các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tất cả các doanh nghiệp sẽ phải ứng phó với câu chuyện đó.

Ở Việt Nam hiện nay, việc kéo xơ từ sợi tái chế tương đối phổ thông. Cách đây vài năm, các thành viên trong Vinatex như sợi Phú Bài, sợi Phú Cường, một số đơn vị tư nhân hoặc doanh nghiệp FDI đã làm rất nhiều.

Tuy nhiên, bây giờ là tái chế từ quần áo, bắt đầu chu trình mới hoàn toàn. Hiện nay mới đang ở giai đoạn nghiên cứu, đã là doanh nghiệp sản xuất dệt may thì đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc.

Ngoài xanh hóa, đẩy mạnh số hóa sản xuất, nâng cao khả năng thích ứng và tính cạnh tranh cho ngành cũng là khía cạnh quan trọng thời gian tới với ngành dệt may Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Giang, điều kiện cần và đủ để đẩy mạnh số hóa, phát triển xanh hóa, bền vững ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay là Chính phủ phải đồng hành với doanh nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển xanh hóa, năng lượng tái tạo, năng lượng nguồn nước...

"Chúng ta cũng phải hoạch định chiến lược rất rõ ràng. Chính phủ mới là người định ra chiến lược có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung", ông Giang nhấn mạnh.

Viết bình luận của bạn:
zalo Chat Zalo
1900.0060
094.999.1688