Tin tức

Hướng dẫn cách tính số lượng hàng đóng vào container
04 Tháng 10
Đăng bởi:  CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ THƯƠNG MẠI T&K

Hướng dẫn cách tính số lượng hàng đóng vào container

Đóng hàng lên container là một khâu quan trọng trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Vậy đâu ...

Đóng hàng lên container là một khâu quan trọng trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Vậy đâu là cách tính số lượng hàng đóng vào container chính xác để lựa chọn loại container phù hợp và đạt hiệu quả về chi phí cho doanh nghiệp.

Cách tính số lượng hàng đóng vào container

Việc tính số lượng hàng đóng được vào container phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại hàng, phương pháp đóng hàng, có chèn lót hay không,... Nếu như doanh nghiệp quan tâm hàng hóa của mình có thể đóng được tối đa bao nhiêu lên một container, thì có thể tham khảo công thức tính dưới đây:

Cont 20’: Số lượng = 28 / Thể tích kiện (m3)

Cont 40’: Số lượng = 60 / Thể tích kiện (m3)

Cont 40’ cao: Số lượng = 68 / Thể tích kiện (m3)

Trong đó: Thể tích kiện (m3): Dài x Rộng x Cao

Ví dụ: Một kiện hàng có kích thước (m): Dài: 1,2; Rộng: 0,6; Cao: 0,6

Có thể tích kiện = 1,2 x 0,6 x 0,6 = 0,432 (m3)

Từ đó ta có số lượng kiện có thể đóng tối đa trong cont 40’ = 60 / 0,432 = 138,8 nghĩa là khoảng 139 kiện.

Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết, trên thực tế số lượng hàng hóa khi xếp lên container có thể thừa hoặc thiếu tùy theo tình trạng, đặc điểm của hàng hóa và cách xếp hàng.  

Cách tính thể tích hàng khi đóng vào container

Cách tính CBM

CBM (Cubic Meter) có nghĩa là “mét khối”, là đơn vị dùng để đo khối lượng và kích thước hàng hóa và tính chi phí vận chuyển. Đơn vị CBM được sử dụng trong hầu hết các phương thức vận chuyển hàng hóa như đường bộ, đường biển, đường hàng không,...

Khi tính CBM, các đơn vị vận chuyển có thể quy đổi CBM sang trọng lượng (kg) để áp dụng bảng giá vận chuyển cho các mặt hàng khác nhau.

Công thức tính CBM đơn vị mét khối (m3) như sau: 

CBM = (Dài x Rộng x Cao) x Số lượng

Tỷ lệ quy đổi CBM sang Kg ở mỗi phương thức vận chuyển lại khác nhau:

Đường bộ: 1CBM tương đương 333kg.
Đường biển: 1CBM tương đương 1000kg.
Đường hàng không: 1CBM tương đương 167kg. 

Cách tính cước đối với các loại hàng hóa

Khi tính cước, các đơn vị vận chuyển sẽ so sánh giữa thể tích (m3) và trọng lượng (kg) để quyết định hàng hóa của doanh nghiệp sẽ áp dụng theo bảng giá nào. Cụ thể:

Nếu 1 tấn < 3 CBM => đây là hàng nặng, tính cước theo bảng giá kg.
Nếu 1 tấn >= 3 CBM => đây là hàng nhẹ, tính cước theo bảng giá CBM.

Ví dụ: Doanh nghiệp có 10 thùng hàng có trọng lượng cân được là 600kg và có kích thước 0,7 x 0,6 x 0,5 lần lượt là Dài x Rộng x Cao (m). Để xác định lô hàng này sẽ được tính cước vận chuyển dựa trên trọng lượng hay thể tích, ta có thể tính như sau: 

Trọng lượng: 600kg = 0,6 tấn

Thể tích: (0,7 x 0,6 x 0,5) x 10 = 2,1 CBM

=> Kết quả quy đổi: 1 tấn = 2,1 CBM / 0,6 = 3,5 CBM > 3 CBM  => Hàng nhẹ, áp dụng bảng giá CBM

Tuy nhiên, để biết chính xác đơn vị tính cước vận chuyển của hàng hóa, doanh nghiệp nên liên hệ tới các công ty vận chuyển hoặc đại lý vận chuyển hàng hóa để được tư vấn và báo giá chính xác nhất.

Viết bình luận của bạn:
zalo Chat Zalo
1900.0060
094.999.1688