Doanh nghiệp Việt chậm thay đổi và thích nghi với chính sách thương mại mới của Trung Quốc. Đây là thách thức lớn cho nỗ lực phục hồi xuất khẩu của Việt Nam.
Chính sách thương mại mới của Trung Quốc "thuận"
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. So với hai tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 1/2023 giảm 24,33%, tháng 2/2023 giảm 18,72%). Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường này. Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định.
Chính sách thương mại mới của Trung Quốc "thuận"
Nhận định về triển vọng này, ông Trần Quang Huy- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương, cho rằng có nhiều yếu tố “thuận”.
Trung Quốc xóa bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch đối với người và hàng hóa xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu từ ngày 8/1/2023. Nền kinh tế Trung Quốc cho thấy sự phục hồi ngay từ quý I/2023 khi đạt mức tăng trưởng 4,5%, cao hơn hầu hết các dự báo trước đó của các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới (chỉ 4%).
Từ Quý II/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ khởi sắc?
Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao. Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai lượng hàng hóa thông quan hàng ngày cơ bản tương đương với giai đoạn trước dịch.
“Những yếu tố thuận lợi trên dự kiến sẽ có tác động tích cực vào sự khôi phục trong hoạt động xuất khẩu và kể cả nhập khẩu của Việt Nam từ Quý II cho đến cuối năm”, ông Trần Quang Huy nhận định.
Dù vậy, theo ông Trần Quang Huy, thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam cũng không nhỏ. Nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, đồng nghĩa, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Từ Quý II/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ khởi sắc?
Với những chính sách thương mại mới tại thị trường tỷ dân, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực thích nghi nhưng tốc độ còn chậm. Vẫn còn doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh cáo hoặc tạm dừng tư cách xuất khẩu do vi phạm các tiêu chuẩn theo quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc.
Mặt khác, từ đầu năm 2022, Trung Quốc chính thức áp dụng quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường nước này theo Lệnh 248. Ngay sau đó, các Bộ, ngành của Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương đã rất tích cực tuyên truyền, hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nắm được các quy định cụ thể và vướng mắc trong việc đăng ký trên hệ thống này của Hải quan Trung Quốc.
Một số doanh nghiệp tiến hành đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng chưa đáp ứng đủ tất cả các điều kiện, vẫn cần cung cấp bổ sung các tài liệu hoàn chỉnh.
Đặc biệt với trái sầu riêng Việt Nam được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng nhưng sự tăng trưởng quá nóng về quy mô, diện tích vùng trồng thời gian qua là điều cần phải hết sức thận trọng.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Về mặt hàng sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng thông tin: Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của Việt Nam quá ít so với diện tích. Nếu không được phía Trung Quốc cấp thêm sẽ xảy ra tình trạng “thắt cổ chai” trong xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.
Cùng đó, tình trạng sử dụng bất hợp pháp mã số vùng trồng đang từng ngày ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam và uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Làm sao để vượt qua thách thức?
Để vượt qua những thách thức trên, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi khuyến nghị: Doanh nghiệp cần nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc gia hạn, cập nhật thông tin doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp cũ đã đăng ký và còn thời hạn) trên hệ thống CIFER.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc,…
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại…